Vốn từ lâu đã có sự phân chia sinh viên giàu và sinh viên nghèo trong giới sinh viên. Nhưng khi giá cả leo thang chóng mặt, khoảng cách này ngày càng nới rộng. Bức tranh giàu – nghèo tương phản trong đời sống sinh viên chưa lúc nào rõ nét như lúc này. Cùng Nét Đẹp Cuộc Sống đi tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
Đời sống sinh viên giàu và sinh viên nghèo
Những khu nhà trọ giá rẻ ở Cầu Diễn, Nhổn hay xã Tân Minh (Mỹ Đình) là nơi ở tập trung của nhiều SV sở hữu túi tiền eo hẹp. Nguyễn Thị Giang, SV khoa Công nghiệp may mặc, ĐH Công nghiệp HN trọ 300.000 đồng/tháng. Phòng trọ của Nguyễn Văn Bách, SV ĐH Thương Mại là 350.000 đồng/tháng. Giá thành này chưa bao gồm tiền điện, tiền nước và phí vệ sinh hàng tháng.
Những phòng trọ này trung bình rộng 7-9 m2. Cả xóm trọ có đầy đủ cả nam cả nữ nhưng chỉ có một nhà vệ sinh, một nhà tắm. Nước không vệ sinh, lại luôn thiếu; điện chập chờn, hỏng hóc liên tục. Điều kiện an ninh không được đảm bảo.
“Tiền nào của nấy! Thuê nhà ở khu này, mình cũng biết là sẽ không thể tốt được. Nhưng những khu khác, giá toàn từ 600.000đ trở lên thì nặng quá, mình không kham nổi”, Bách chia sẻ.
Còn Giang cho biết: “Khu nhà của mình cửa giả lỏng lẻo, đồ đạc hay bị mất cắp lắm. Có hôm vào nhà vệ sinh, thấy cả tên nghiện đang ngồi trong đó. Sợ hết hồn! Mình cũng đang tìm một chỗ khác, đắt hơn một tí cũng đành chịu chứ biết làm sao. Ở thế này mãi sợ lắm, không yên tâm thì làm sao học hành được.”
Trong khi đó, khu chùa Láng là nơi ở của nhiều SV khá giả, giàu có, điều kiện sống đối lập hẳn với những Sinh viên nghèo.
Đỗ Thu Hương là Sinh viên năm thứ 2, khoa tiếng Anh thương mại, ĐH Ngoại thương HN. Hương quê Quảng Ninh, bố làm chủ một xí nghiệp khai thác than. Điều kiện gia đình khá vậy nên Hương cũng sống trong một căn nhà trọ rất “xứng tầm”. Ở một mình một phòng rộng khoảng 15 m2, không khác gì căn phòng ở nhà riêng. Có đầy đủ nhà vệ sinh, nhà tắm, ban công.
Anh Quân, Sinh viên Học viện Quan hệ Quốc tế thì không phải lo chuyện gì khác ngoài chuyện học. Tiền hàng tháng bố mẹ chu cấp theo “nhu cầu”, có xe máy, điện thoại đẹp, quần áo không thiếu. Khu nhà của bạn Quân còn có vẻ giống một khách sạn nhỏ, có hầm để xe riêng, có cầu thang dẫn lên trên tầng rất lịch sự. “Ở đây thì không phải lo gì. Mỗi tháng mất 1,5 triệu nhưng “đáng đồng tiền bát gạo” cháu ạ! An ninh không phải lo. Mọi thứ được đảm bảo. Yên tâm mà học hành, làm việc”, bà chủ nhà trọ khẳng định.
Giải trí hạn chế
Sinh viên nghèo có cách ăn uống, chi tiêu, giải trí của riêng mình. Hàng ngày, Bích Hợp và Thu Hường, 2 SV học ngành Luật Kinh tế, ĐH Luật HN chịu khó dậy sớm đi chợ Dịch Vọng, nơi sẽ mua được những hàng hoá với giá gốc của những người nông dân ngoại thành. Dẫu có hôm đi chợ về, Hợp than thở: “Giá cà chua lại tăng rồi!” thì mỗi ngày, tính riêng tiền ăn của cả hai người cũng chỉ mất 15.000 đồng. Một bữa cơm của Hợp có rau, có đậu phụ hoặc trứng. “Từ ngày thịt tăng giá, em ít mua hơn”, Hợp kể.
Nguyễn Văn Đạt, SV CĐ Xây dựng HN thuê nhà ở Phùng Khoang cũng là một điển hình cho cách chi tiêu của Sinh viên nghèo thời bão giá. Hàng ngày, Đạt cùng bạn ở cùng ăn một bữa trưa tại nhà, rồi bữa tối sẽ “đổi món” sang mì tôm.
“Mì tôm bây giờ cũng 2.000 đồng/gói, tháng này mình chưa nhận được “trợ cấp”, lại cái gì cũng lăm le đắt đỏ hơn nên mình cứ phải phòng trước. Kẻo đến lúc chưa nhận được “trợ cấp” mà đã hết tiền thì đến mì tôm cũng không có mà ăn!”, Đạt tếu táo.
Bên cạnh phòng Đạt là hai cô bé học năm nhất ĐHKHXH&NV HN. Để tiền chi tiêu không “leo thang” như giá cả, hai cô bé đã giục bố mẹ gửi gạo và đồ khô từ nhà ra thay vì mua toàn bộ từ A đến Z như trước đây.
“Học phí em đã đóng từ đầu kì mà mỗi tháng mình em đã tiêu già một triệu rồi. Bây giờ xin thêm ngại lắm. Gửi ra xa một tí nhưng đó là đồ của nhà, cũng sẽ đỡ hơn được phần nào”, một cô bé ngậm ngùi.
Ăn uống mới ở mức tối thiểu như vậy nên sinh viên nghèo cũng không có cơ hội giải trí nhiều, trừ những lúc thảnh thơi ngồi bên cốc trà đá, thở than với nhau về sự thiếu thốn, “đói kém”. Không có chuyện mua sắm cuối tuần, đi dã ngoại hay tổ chức gặp mặt ăn uống. Nếu có mua, đó là những mặt hàng giảm giá trong chợ đêm SV hay trên vỉa hè. Nếu có mời bạn thì cũng vào quán café SV, vừa hợp túi tiền, lại vừa hợp “tâm trạng” Sinh viên nghèo.
Cái khổ nữa của sinh viên nghèo là đôi khi muốn học cũng không thể. Nguyễn Thị Nương, SV khoa CNTT, ĐH Thuỷ lợi, ngoài việc phải thuê nhà dưới tận đường tàu Ba La, Hà Đông, thì một tuần đi dạy thêm 4 buổi. Nương nói: “Mình con gái, học CNTT cũng rất ít cơ hội. Mình muốn đi học thêm vi tính, ngoại ngữ sau này đỡ vất vả khi xin việc nhưng nghĩ đi học vừa phải bỏ dậy, lại tốn thêm khoản tiền học thêm. Bố mẹ mình đều làm ruộng, tiền cho mình cũng chỉ có giới hạn mà thôi”.
Tương phản với mảng màu không tươi sáng này là điều kiện ăn ở, học tập, vui chơi, giải trí của Sinh viên giàu có, khá giả. Mua sắm cuối tuần, đi picnic, ăn nhà hàng, uống café trong những quán hạng sang… Cho nên, dẫu có học chung một thầy, ngồi cùng một lớp thì trên giảng đường, SV vẫn cứ như không cùng một tầng lớp. Cơn bão giá đã làm khoảng cách này ngày một lớn thêm.
Trong cuộc sống đối lập của sinh viên giàu và sinh viên nghèo trong học đường, chúng ta đã thấy rõ sự khác biệt về điều kiện sống, cơ hội học tập và quan điểm về cuộc sống. Tuy nhiên, bất kể giai cấp nào, mỗi sinh viên đều đối mặt với những thách thức và áp lực riêng của mình trong quá trình học tập và phát triển bản thân.
Đối với sinh viên giàu, họ có điều kiện tài chính tốt, được hỗ trợ về học phí, chi phí sinh hoạt và tiện nghi. Tuy nhiên, đôi khi họ có thể đối mặt với áp lực từ sự kỳ vọng cao của gia đình và xã hội, cũng như sự đánh đổi giữa thời gian dành cho học tập và tham gia các hoạt động xã hội.
Trong khi đó, sinh viên nghèo thường phải vật lộn để kiếm tiền trang trải cho học phí và chi phí sinh hoạt hàng ngày. Họ có thể phải đối mặt với những rủi ro về tài chính và cảm thấy áp lực từ việc phải thành công để cải thiện hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, điều này cũng thúc đẩy họ phát triển sự kiên nhẫn, sự sáng tạo và sự cố gắng.
Dù ở bất kỳ tình huống nào, quan trọng nhất là sự cam kết và nỗ lực của mỗi sinh viên để đạt được mục tiêu của mình. Họ có thể học hỏi lẫn nhau và đánh giá cao những giá trị khác biệt mà mỗi cá nhân mang lại cho cộng đồng học đường.
Cuộc sống đối lập của sinh viên giàu và sinh viên nghèo là một phần của sự đa dạng và sự phong phú trong cộng đồng học thuật, và chúng ta cần tôn trọng và đồng cảm với nhau để tạo ra một môi trường học tập công bằng và động viên mọi người tiến xa hơn trong cuộc sống và sự nghiệp. Theo dõi Nét Đẹp Cuộc Sống để không bỏ lỡ bất kỳ tin tức mới về các chủ đề trong cuộc sống.